Bài 28: Tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học - Hóa học 10

- Học sinh biết được các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng hóa học. - Hiểu được cân bằng hóa học và sự chuyển dịch cân bằng.

Danh sách bài tập

Bạn hoàn thành 0%

Tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học

A - Tốc độ phản ứng:

1. Khái niệm.

- Tốc độ phản ứng là độ biến thiên nồng độ của một trong các chất phản ứng hoặc sản phẩm trong một đơn vị thời gian.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng.

- Nồng độ: Khi tăng nồng độ chất phản ứng, tốc độ phản ứng tăng.

- Áp suất ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng có chất khí.

   Khi tăng áp suất nồng độ chất khí tăng nên tốc độ phản ứng tăng.

- Nhiệt độ: Khi tăng nhiệt độ, tốc độ phản ứng tăng.

- Diện tích tiếp xúc: Khi tăng diện tích tiếp xúc của các chất phản ứng, tốc độ phản ứng tăng.

- Chất xúc tác: là chất làm tăng tốc độ phản ứng, nhưng còn lại sau khi phản ứng kết thúc.

⇒ Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng được vận dụng nhiều trong đời sống và sản xuất.

B - Cân bằng hóa học.

I - Phản ứng một chiều, phản ứng thuận nghịch.

1. Phản ứng một chiều là phản ứng chỉ xảy ra theo một chiều từ trái sang phải dùng mũi tên chỉ chiều phản ứng.

2. Phản ứng thuận nghịch là phản ứng xảy ra theo 2 chiều hướng trái ngược nhau trong cùng điều kiện. Người ta dùng 2 mũi tên ngược chiều nhau. 

3. Cân bằng hóa học: là trạng thái của phản ứng thuận nghịch khi tốc độ phản ứng thuận bằng tốc độ phản ứng nghịch.

   Ở trạng thái cân bằng, phản ứng không dừng lại mà trong một đơn vị thời gian nồng độ các chất phản ứng giảm đi bao nhiêu theo chiều thuận lại được tạo ra bấy nhiêu theo phản ứng nghịch.

II - Sự chuyển dịch cân bằng hóa học.

Sự chuyển dịch cân bằng hóa học là sự di chuyển từ trạng thái cân bằng này sang trạng thái cân bằng khác do tác động của các yếu tố  từ bên ngoài lên cân bằng..

III - Các yếu tố ảnh hưởng đến cân bằng hóa học

1. Nồng độ

Khi tăng hoặc giảm nồng độ một chất trong cân bằng thì cân bằng bao giờ cũng chuyển dịch theo chiều làm giảm tác động của việc tăng hoặc giảm nồng độ của chất đó.

2. Áp suất.

Khi tăng hoặc giảm áp suất chung của hệ cân bằng, thì cân bằng bao giờ cũng chuyển dịch theo chiều làm giảm tác động của việc tăng hoặc giảm áp suất đó.

3. Nhiệt độ.

- Nhiệt phản ứng kí hiệu là: $\bigtriangleup H$

- Phản ứng tỏa nhiệt: là phản ứng giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt có $\bigtriangleup H <0$

- Phản ứng thu nhiệt: là phản ứng hấp thu năng lượng dưới dạng nhiệt có $\bigtriangleup H > 0$

- Khi tăng nhiệt độ, cân bằng chuyển dịch theo chiều phản ứng thu nhiệt, nghĩa là chiều làm giảm tác động của việc tăng nhiệt độ. Khi giảm nhiệt độ, cân bằng chuyển dịch theo chiều phản ứng tỏa nhiệt, chiều làm giảm tác động của việc giảm nhiệt độ.

► Nguyên lý chuyển dịch cân bằng Lơ Sa-tơ-li-ê: Một phản ứng thuận nghịch đang ở trạng thái cân bằng khi chịu tác động từ bên ngoài như biến đổi nồng độ, áp suất, nhiệt độ thì cân bằng sẽ chuyển dịch theo chiều làm giảm tác động bên ngoài đó.

4. Chất xúc tác.

Chất xúc tác làm tăng tốc độ phản ứng thuận và tốc độ phản ứng nghịch với số lần bằng nhau, nên chất xúc tác không ảnh hưởng đến cân bằng hóa học.