Atlat Địa lí Việt Nam trang 8: Khoáng sản - Địa lí lớp 12

Câu hỏi trắc nghiệm atlat Địa lí Việt Nam trang 8: Khoáng sản. Có đáp án và giải thích chi tiết

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết: Atlat Địa lí Việt Nam trang 8: Khoáng sản

– Nội dung của bản đồ là thể hiện các thành tạo địa chất bao gồm: các loại đá theo tuổi, các đứt gãy kiến tạo, các thể xâm nhập macma, điều kiện địa chất Biển Đông và sự phân bố các mỏ khoáng sản.

– Các loại đá theo tuổi dựa theo thang địa tầng phản ánh tính liên tục của các giai đoạn phát triển lớp vỏ Trái Đất của nước ta. Với hệ thống phân vị được sử dụng trong Atlat lớn nhất là Đại (Đại Thái cổ – Ackêôzôi; Đại Nguyên sinh – Prôtêrôzôi; giới Cổ sinh – Palêôzôi; giới Trung sinh – Mêzôzôi; giới Tân sinh – Kainôzôi); giới được chia ra các kỉ (hệ) và mỗi kỉ lại được chia thành thế (thống); mỗi thống lại được chia ra nhiều thời.

Các loại đá có tuổi khác nhau trong bản đồ được thể hiện bằng phương pháp nền chất lượng với các nền màu khác nhau kết hợp với kí hiệu chữ. Các đứt gãy kiến tạo được thể hiện bằng phương pháp kí hiệu tuyến (theo đường).

+ Giai đoạn Tiền Cambri ở Việt Nam được xem là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ với các đá biến chất cổ nhất ở nước ta được phát hiện ở Kon Tum, Hoàng Liên Sơn có tuổi cách đây khoảng 2,3 tỉ năm. 

+ Giai đoạn Cổ kiến tạo là giai đoạn có tính chất quyết định đến lịch sử phát triển của tự nhiên nước ta. Đất đá của giai đoạn này rất cổ, có cả các loại trầm tích (trầm tích biển và trầm tích lục địa), macma và biến chất. Các đá trầm tích biển phân bố rộng khắp trên lãnh thổ, đặc biệt đá vôi tuổi Đêvon và Cacbon – Pecmi có nhiều ở miền Bắc. Tại một số vùng trũng sụt lún trên đất liền được bồi lấp bởi các trầm tích lục địa vào đại Trung sinh và hình thành nên các mỏ than ở Quảng Ninh, Quảng Nam; các đá cát kết, cuội kết màu đỏ sẫm ở khu vực Đông Bắc. Các hoạt động uốn nếp và nâng lên diễn ra ở nhiều nơi. 

Trong đại Cổ sinh là các khối thượng nguồn sông Chảy, khối nâng Việt Bắc, địa khối Kon Tum; trong đại Trung sinh là các dãy núi hướng tây bắc – đông nam ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, các dãy núi có hướng vòng cung ở Đông Bắc và khu vực núi cao ở Nam Trung Bộ. Kèm theo các hoạt động uốn nếp tạo núi và sụt võng là các đứt gãy, động đất với các loại đá macma xâm nhập và mac ma phun trào như granit, riôlit, anđêzit cùng các khoáng sản quý như: đồng, sắt, thiếc, vàng, bạc, đá quí,… 

+ Giai đoạn Tân kiến tạo là giai đoạn cuối cùng trong lịch sử hình thành và phát triển của tự nhiên nước ta và còn được kéo dài cho đến ngày nay.

– Các mỏ khoáng sản trên bản đồ được thể hiện bằng phương pháp kí hiệu với các kí hiệu có hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau và kí hiệu chữ khác nhau. Các mỏ khoáng sản được phân loại theo ba nhóm chính: năng lượng, kim loại và các nhóm phi kim loại. Các mỏ chỉ được thể hiện sự phân bố mà không thể hiện trữ lượng.

– Bản đồ phụ: Địa chất Biển Đông và các vùng biển kế cận: Xác định vị trí phân bố các bể trầm tích dầu khí.