Bài 1: Kĩ năng chọn các dạng biểu đồ 1 - Địa lí lớp 9

Câu hỏi trắc nghiệm bài 1: Kĩ năng chọn các dạng biểu đồ 1, địa lí 9. Có đáp án và giải thích chi tiết

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết: Kĩ năng chọn các dạng biểu đồ 1

1. Biểu đồ tròn

a. Dấu hiệu nhận biết

- Sử dụng biểu đồ tròn khi đề yêu cầu vẽ biểu đồ mô tả cơ cấu, tỉ lệ các thành phần trong một tổng thể.

- Để ý xem đề ra cho nhiều thành phần để thể hiện trong 1 hoặc 2 mốc năm thì phải lựa chọn biểu đồ tròn. 

- Từ khóa quan trọng nhất: Cơ cấu, qui mô, tỉ trọng; ít năm (=< 3 năm), nhiều thành phần.

b. Các dạng biểu đồ tròn

- Biểu đồ tròn đơn.

- Biểu đồ tròn có các bán kính khác nhau.

- Biểu đồ bán tròn (hai nửa hình tròn thường thể hiện cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu).

2. Biểu đồ miền

a. Dấu hiệu nhận biết

Bạn sẽ thường hay nhầm lẫn giữa vẽ biểu đồ miền và biểu đồ tròn, tuy nhiên 2 loại này sẽ có những dấu hiệu nhận biết nhất định.

- Biểu đồ miền còn được gọi là biểu đồ diện. Loại biểu đồ này thể hiện được cả cơ cấu và động thái phát triển của các đối tượng. Toàn bộ biểu đồ là 1 hình chữ nhật (hoặc hình vuông), trong đó được chia thành các miền khác nhau.

- Để xác định vẽ biểu đồ miền, với số liệu được thể hiện trên 3 năm (nghĩa là việc vẽ tới 4 hình tròn như thông thường thì ta lại chuyển sang biểu đồ miền). Vậy số liệu đã cho cứ trên 3 năm mà thể hiện về cơ cấu thì vẽ biểu đồ miền.

- Từ khóa quan trọng nhất: Cơ cấu, tỉ trọng, qui mô; Nhiều năm (>= 4 năm), ít thành phần.

b. Một số dạng biểu đồ miền thường gặp

- Biểu đồ miền chồng nối tiếp.

- Biểu đồ chồng từ gốc tọa độ.

3. Biểu đồ hình cột

a. Dấu hiệu nhận biết

- Đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển, so sánh tương quan về độ lớn các đại lượng của các thành phần (hoặc qua mốc thời gian).

- Dạng này sử dụng để chỉ sự khác biệt về qui mô khối lượng của 1 hay 1 số đối tượng địa lí hoặc sử dụng để thực hiện tương quan về độ lớn giữa các đại lượng.

Ví dụ: Vẽ biểu đồ so sánh dân số, diện tích,... của 1 số tỉnh (vùng, nước) hoặc vẽ biểu đồ so sánh sản lượng (lúa, ngô, điện, than,...) của 1 số địa phương qua 1 số năm.

- Từ khoá quan trọng nhất: Tình hình, sự phát triển, so sánh, qui mô; ít năm (=< 4 năm).

b. Một số dạng biểu đồ hình cột thường gặp

- Biểu đồ cột đơn.

- Biểu đồ cột chồng.

- Biểu đồ cột đơn gộp nhóm (cột ghép cùng đại lượng và cột ghép khác đại lượng).

- Biểu đồ thanh ngang.

Lưu ý

- Các cột chỉ khác nhau về độ cao còn bề ngang của các cột phải bằng nhau. Tùy theo yêu cầu cụ thể mà vẽ khoảng cách các cột bằng nhau hoặc cách nhau theo đúng tỉ lệ thời gian.

- Ở biểu đồ hình cột việc thể hiện độ cao của các cột là điều quan trọng hơn cả bởi vì nó cho thấy rõ sự khác biệt vì qui mô số lượng giữa các năm hoặc các đối tượng cần thể hiện.

- Khoảng cách các năm, nhìn chung cần theo đúng tỉ lệ. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp có thể vẽ khoảng cách các cột bằng nhau để đảm bảo tính trực quan và tính thẩm mĩ của biểu đồ.

4. Dạng biểu đồ đường (đồ thị)

Là loại biểu đồ thường dùng để vẽ sự thay đổi của các đại lượng địa lí khi số năm nhiều và tương đối liên tục hoặc thể hiện tốc độ tăng trưởng của một hoặc nhiều đại lượng địa lí có đơn vị giống nhau hay đơn vị khác nhau.

a. Dấu hiệu nhận biết

- Khi đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển, tốc độ tăng trưởng qua các mốc thời gian.

- Từ khóa quan trọng nhất: Phát triển, biến động, tốc độ tăng trưởng; nhiều năm (>= 4 năm).

b. Một số dạng biểu đồ đường thường gặp

- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tuyệt đối.

- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tương đối (xử lí ra %).