Bài 9: Sự biến đổi tuần hoàn tính chất của các nguyên tố. Định luật tuần hoàn. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. - Hóa học 10

- Học sinh hiểu được sự biến đổi tuần hoàn hóa trị, tính kim loại và phi kim của các nguyên tố theo chiều tăng điện tích hạt nhân của nguyên tử các nguyên tố.

Danh sách bài tập

Bạn hoàn thành 0%

Bài 9: Sự biến đổi tuần hoàn tính chất của các nguyên tố. Định luật tuần hoàn. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

I - Tính kim loại, tính phi kim.

- Tính kim loại: Là tính chất của nguyên tố mà nguyên tử của nó dễ mất e để trở thành ion dương.

 Nguyên tử càng dễ mất e → tính kim loại càng mạnh.

- Tính phi kim: là tính chất của một nguyên tố mà nguyên tử của nó dễ thu thêm e để trở thành ion âm.

 Nguyên tử càng dễ nhận e → tính phi kim càng mạnh.

1. Sự biến đổi tính chất trong chu kì.

 - Trong một chu kì, theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân, tính kim loại của các nguyên tố yếu dần, đồng thời tính phi kim mạnh dần.

- Giải thích: Trong chu kì, từ trái sang phải: các nguyên tử có cùng lớp e nhưng điện tích hạt nhân tăng dần → bán kính nguyên tử giảm (do lực hút hạt nhân đến e ngoài cùng tăng) → nguyên tử khó cho e hơn → Tính kim loại giảm, tính phi kim tăng.

2 . Sự biến đổi tính chất trong một nhóm A.

- Trong một nhóm A, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, tính kim loại của các nguyên tố mạnh dần, tính phi kim yếu dần.

- Giải thích: Trong một phân nhóm chính từ trên xuống dưới: số lớp e tăng → bán kính nguyên tử tăng → lực hút hạt nhân đến e ngoài cùng giảm → nguyên tử dễ cho e hơn → Tính kim loại tăng, phi kim giảm.

3. Độ âm điện;

- Độ âm điện là đại lượng đặc trưng cho khả năng hút e của nguyên tử.

- Độ âm điện càng lớn tính phi kim càng mạnh.+

+ Trong một chu kì: từ trái sang phải theo chiều tăng của điện tích hạt nhân giá trị độ âm điện của các nguyên tử tăng dần.

+ Trong một nhóm A: từ trên xuống dưới theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, giá trị độ âm điện của các nguyên tử giảm dần.

II - Hóa trị của các nguyên tố.

- Trong một chu kì, từ trái sang phải: 

   + Hóa trị cao nhất của các nguyên tố trong hợp chất với oxi tăng từ 1 đến 7.

            Công thức tổng quát: $R_2O_n$  → Hiđroxit tương ứng: $R(OH)_n$

   + Hóa trị của các phi kim trong hợp chất với hiđro giảm từ 4 đến 1.

            Công thức tổng quát : $RH_{8-n}$ ; $n\geq4$  

III - Oxit và Hiđroxit của các nguyên tố nhóm A thuộc cùng chu kì.

 - Trong một chu kì, từ trái sang phải theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, tính bazơ của các oxit và hiđroxit tương ứng giảm dần, tính axit  tăng dần. 

IV - Định luật tuần hoàn:

Tính chất của các nguyên tố và đơn chất, thành phần và tính chất của các hợp chất tạo nên từ các nguyên tố biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử.

V - Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố.

1. Biết vị trí của một nguyên tố trong BTH có thể suy ra cấu tạo nguyên tử của nguyên tố đó và ngược lại.

2. Biết được vị trí của nguyên tố trong BTH có thể suy ra những tính chất hóa học cơ bản của nguyên tố đó.

3. Dựa vào quy luật biến đổi tính chất của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn có thể so sánh tính chất với các nguyên tố lân cận.