Bài 21: Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỉ XVI-XVIII. - Lịch sử lớp 10

Sự sụp đổ của triều Lê sơ. Nhà Mạc được thành lập. Đất nước bị chia cắt. Nhà nước phong kiến Đàng Ngoài. Chính quyền ở Đàng Trong.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 21: Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỉ XVI - XVIII.


1. Sự sụp đổ của triều Lê sơ. Nhà Mạc thành lập

- Đầu thế kỉ XVI, triều Lê sơ suy sụp : 
+ Các vua Lê như Uy Mục, Tương Dực không còn quan tâm đến việc triều chính và đời sống nhân dân. 
+ Bọn quan lại, địa chủ cũng nhân đó mà hạch sách, chiếm đoạt ruộng đất. 
+ Nhân dân cực khổ đã vùng dậy đấu tranh. 
+ Một số thế lực phong kiến cũng hợp quân, đánh nhau. 
+ Mạnh hơn cả là thế lực của Mạc Đăng Dung. 
+ Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê phải nhường ngôi và lập ra nhà Mạc.
- Thay thế triều Lê, triều Mạc đã thực hiện một số chính sách về kinh tế, chính trị và văn hoá nhằm ổn định trật tự xã hội : 
+ Xây dựng chính quyền. 
+ Tổ chức lại quân đội.
+ Giải quyết vấn đề ruộng đất.
+ Tổ chức thi cử để tuyển chọn quan lại.

2. Đất nước bị chia cắt

- Không chấp nhận chính quyền của nhà Mạc, một số quan lại cũ của nhà Lê (đứng đầu là Nguyễn Kim) đã tập hợp lực lượng để chống lại nhà Mạc.
- Chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra ; đến năm 1592, nhà Mạc bị lật đổ. Nhưng sau đó, một thế lực phong kiến mới của họ Nguyễn lại hình thành ở phía Nam.
- Chiến tranh Trịnh - Nguyễn diễn ra từ năm 1627 đến năm 1672. Cuối cùng cũng không phân thắng bại, hai bên giảng hoà, lấy sông Gianh làm ranh giới. Đất nước chia làm hai : Đàng Trong và Đàng Ngoài.

3. Nhà nước phong kiến ở Đàng Ngoài

- Sau khi lật đổ nhà Mạc, chính quyền Nam triều chuyển về Thăng Long, nhà nước phong kiến được xây dựng lại do vua Lê đứng đầu. Tuy nhiên, địa vị vua Lê không còn như trước. 
- Ở trung ương có hai bộ phận : triều đình do vua đứng đầu và phủ chúa do chúa Trịnh đứng đầu.
- Ở địa phương : Đàng Ngoài được chia thành 12 trấn, do Trấn thủ đứng đầu. Dưới trấn là phủ, huyện, châu, xã.
- Giáo dục : Nhà nước Lê - Trịnh tổ chức thi cử để tuyển chọn quan lại. 
- Luật pháp : Ngoài việc sử dụng bộ luật Hồng Đức, một số điều luật cũng được bổ sung thêm cho phù hợp với hoàn cảnh đương thời.
- Quân đội được tổ chức lại. Nhà nước Lê - Trịnh cũng chú ý đến việc xây dựng lực lượng quân đội và có những chính sách ưu ái đối với quân đội.

4. Chính quyền ở Đàng Trong

- Đối với Đàng Trong, chúa Nguyễn xây dựng chính quyền của riêng mình, nhưng chỉ là một chính quyền địa phương, niên hiệu vẫn dùng là vua Lê, giai đoạn đầu quan lại vẫn do vua Lê - chúa Trịnh cử vào. 
- Từ năm 1614, chúa Nguyễn mới dùng người của mình để bổ dụng quan lại. Tuy nhiên, vẫn dùng niên hiệu vua Lê cho đến năm 1744.
- Sau khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn chấm dứt, họ Nguyễn mở rộng lãnh thổ về phía Nam (từ Quảng Bình đến Nam Bộ ngày nay).
- Các chúa Nguyễn xây dựng chính quyền riêng của mình : 
+ Cả Đàng Trong được chia thành 12 dinh. Phủ chúa đóng ở chính dinh. 
+ Mỗi dinh có 2 hoặc 3 ti trông coi công việc. 
+ Riêng cơ quan thu thuế được gọi là "Bản đường quan". 
+ Dưới dinh là phủ, huyện, tổng, xã.
- Quân đội cũng được chúa Nguyễn tổ chức khá chặt chẽ.
- Do điều kiện đặc biệt, việc tuyển dụng quan lại của chúa Nguyễn chủ yếu là lấy từ dòng họ Nguyễn và tiến cử. Mãi đến giữa thế kỉ XVII, chúa Nguyễn mới mở khoa thi để tuyển quan lại, nhưng không phổ biến.
- Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát quyết định xưng vương, thành lập triều đình trung ương. Nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. 
- Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền Đàng Trong lâm vào khủng hoảng.