Bài 27: Quá trình dựng nước và giữ nước. - Lịch sử lớp 10

Quá trình dựng nước và giữ nước.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 27: Quá trình dựng nước và giữ nước.

I. Các thời kì xây dựng và phát triển đất nước

1. Thời kì dựng nước đầu tiên :

+ Vào khoảng thế kỉ VII TCN, nhà nước Văn Lang đã ra đời -quốc gia đầu tiên của người Việt cổ, sau đó là nước Âu Lạc. Đánh dấu thời kì dựng nước của dân tộc. Nền văn minh sông Hồng mà thực chất là nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước hình thành với nhiều thành tựu văn hoá mang bản sắc riêng.
+ Đầu thế kỉ II TCN, Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của các triều đại phương Bắc. Trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã đấu tranh anh dũng để giải phóng, xây dựng, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc.
+ Những thế kỉ đầu Công nguyên, ở Nam Trung Bộ ngày nay, quốc gia Lâm Ấp Champa ra đời và phát triển ; ở vùng Tây Nam Bộ, quốc gia Phù Nam hình thành. Cả hai quốc gia này cũng đã xây dựng cho mình một nhà nước quân chủ với nền kinh tế và văn hoá độc đáo.

2. Giai đoạn đầu của nước Đại Việt phong kiến độc lập :

+ Đầu thế kỉ X, với sự nghiệp tự cường của họ Khúc, nhà Đường bị lật đổ, quyền tự chủ, độc lập của đất nước được xác lập. Năm 968, quốc hiệu Đại Cồ Việt thể hiện một nước tự chủ ở phía Nam Trung Quốc. Năm 1054, quốc hiệu được đổi thành Đại Việt và trở thành tên nước đến cuối thế kỉ XVIII. 
+ Từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XV : Cùng với nền độc lập của đất nước, nhà nước quân chủ phong kiến cũng từng bước được xây dựng và củng cố, nhà nước đó ngày càng được hoàn chỉnh, có hệ thống từ trung ương đến địa phương.
+ Kinh tế nông nghiệp cũng có những bước phát triển mới : diện tích canh tác ngày càng được mở rộng, kĩ thuật sản xuất, hệ thống trị thuỷ, thuỷ lợi được nhà nước và nhân dân quan tâm. Nhờ vậy năng suất ngày một nâng cao, vừa ổn định đời sống nhân dân vừa góp phần kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi.
+ Công thương nghiệp phát triển. Các sản phẩm thủ công ngày càng đa dạng với chất lượng cao. Sản phẩm thủ công không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn được mang ra trao đổi, buôn bán với nước ngoài. Nội thương, ngoại thương từng bước được mở rộng.
+ Nền giáo dục Đại Việt chính thức ra đời năm 1070, đã đào tạo các bậc "hiền tài" cho đất nước và nâng cao dân trí qua các thời kì lịch sử. Phật giáo, Nho giáo từng bước được du nhập vào Đại Việt. Tuy nhiên, khi vào nước ta đã phải hiệu chỉnh cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm linh của người Việt.
+ Thời kì phong kiến độc lập cũng là thời kì mà văn hoá dân tộc đạt được những thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học - kĩ thuật.

3. Thời kì đất nước bị chia cắt :

+ Sự suy yếu của quốc gia phong kiến tập quyền ở đầu thế kỉ XVI đã dẫn đến sự hình thành các thế lực phong kiến khác nhau. Chiến tranh phong kiến đã dẫn đến sự chia cắt đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
+ Mặc dù với hai chính quyền khác nhau, nền kinh tế nông nghiệp ở hai miền đều có những bước phát triển mới. Các giống lúa có năng suất cao, kĩ thuật thâm canh trong sản xuất, tạo điều kiện cho năng suất cây trồng ngày càng cao. Cùng với nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp cũng được mở rộng. Kinh tế hàng hoá trong các thế kỉ XVI - XVII có những bước phát triển mới. Đây cũng là cơ sở cho việc hình thành và hưng khởi của các đô thị.
+ Cuộc khủng hoảng của xã hội từ giữa thế kỉ XVIII đã làm bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân ở Đàng Ngoài và phong trào Tây Sơn ở Đàng Trong. Phong trào Tây Sơn không những đã thực hiện được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp mà còn thực hiện được nhiệm vụ dân tộc, bước đầu thống nhất đất nước và hai lần chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc. Vương triều Tây Sơn còn có những chính sách tiến bộ, đặc biệt về kinh tế, văn hoá, góp phần phát triển đất nước.

4. Đất nước ở nửa đầu thế kỉ XIX :

+ Sau khi đánh bại được phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và triều Nguyễn được thành lập. Với một đất nước thống nhất từ Bắc vào Nam và một lãnh thổ rộng lớn, các vua triều Nguyễn đã có những chính sách để xây dựng nhà nước quân chủ nhằm duy trì nền thống trị của mình. Nhà Nguyễn cũng thực hiện các chính sách về kinh tế, trong đó vấn đề khẩn hoang, trị thuỷ và thuỷ lợi trong nông nghiệp được chú trọng. Tuy nhiên, cuộc sống của nhân dân, trong đó có nông dân vẫn khổ cực. Vì vậy, một phong trào đấu tranh chống triều đình đã diễn ra suốt nửa đầu thế kỉ XIX.
+ Dưới thời Nguyễn, nền văn hoá dân tộc vẫn phát triển. Các thành tựu về văn học, giáo dục và đặc biệt về nghệ thuật và khoa học - kĩ thuật là di sản văn hoá quan trọng còn lại đến ngày nay.

II.Công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc

- Song song với quá trình xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam phải liên tục cầm vũ khí chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Từ cuối thế kỉ III TCN, nhân dân Lạc Việt và Tây Âu đã hợp lực với nhau trong cuộc kháng chiến chống quân Tần.
- Hơn 1000 năm Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ để giải phóng của nhân dân ta liên tục nổ ra.
- Thế kỉ X, với sự nghiệp tự cường của họ Khúc và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 mở đầu cho thời kì phong kiến độc lập của Việt Nam.
- Mặc dù được độc lập, nhưng trong suốt thời Tiền Lê, Lý, Trần, nước ta vẫn thường xuyên phải đối phó với giặc ngoại xâm : kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê và thời Lý, các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thời Trần, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
- Đầu thế kỉ XV, phong trào đấu tranh chống quân Minh, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã mang lại độc lập tự do cho đất nước.
- Thế kỉ XVIII, phong trào nông dân Tây Sơn ngoài nhiệm vụ đấu tranh giai cấp đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc. Với hai cuộc kháng chiến chống quân Xiêm và quân xâm lược Mãn Thanh, nền độc lập của Tổ quốc được giữ vững.
Các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần kiên trung, lòng dũng cảm và ý chí tự lập tự cường của dân tộc.