Bài 29: Cách mạng Hà Lan và cách mạng tư sản Anh. - Lịch sử lớp 10

Cách mạng Hà Lan và cách mạng tư sản Anh.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 29: Cách mạng Hà Lan và cách mạng tư sản Anh.

1. Cách mạng Hà Lan

- Vào thế kỉ XVI, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Nê-đéc-lan phát triển mạnh nhất châu Âu. Nhưng nhân dân Nê-đéc-lan lại bị Vương quốc Tây Ban Nha thống trị (từ thế kỉ XII), ngăn cản sự phát triển này. 
- Chính sách cai trị hà khắc của chế độ phong kiến Tây Ban Nha càng làm tăng thêm mâu thuẫn dân tộc. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống lại chính quyền phong kiến Tây Ban Nha đã diễn ra, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Bắc Nê-đéc-lan (8 - 1566).
- Năm 1581, các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan đã thành lập "Các tỉnh liên hiệp" (sau là Cộng hoà Hà Lan), nhưng thực dân Tây Ban Nha không chấp nhận và cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn.
- Năm 1648, chính quyền Tây Ban Nha công nhận nền độc lập của Hà Lan. Cuộc cách mạng kết thúc, Hà Lan được giải phóng.
- Ý nghĩa : 
+ Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới.
+ Cách mạng đã lật đổ ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

2. Cách mạng tư sản Anh 

a) Nước Anh trước cách mạng :
+ Đến thế kỉ XVII, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Anh đã phát triển mạnh với nhiều công trường thủ công như luyện kim, làm sứ, len dạ,... Trong đó, Luân Đôn trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính lớn nhất nước Anh.
+ Ở nông thôn, nhiều quý tộc phong kiến đã chuyển sang kinh doanh theo con đường tư bản, bằng cách "rào đất cướp ruộng", biến ruộng đất chiếm được thành những đồng cỏ, thuê công nhân nuôi cừu để lấy lông cung cấp cho thị trường. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, còn nông dân mất đất thì nghèo khổ. 
+ Trong khi đó, chế độ phong kiến tiếp tục kìm hãm giai cấp tư sản và quý tộc mới, ngăn cản họ phát triển theo con đường tư bản. Vì vậy, giai cấp tư sản và quý tộc mới đã liên minh lại với nhau nhằm lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. 

b) Diễn biến chính của cuộc cách mạng :
Cách mạng tư sản Anh được chia làm hai giai đoạn :
+ Giai đoạn 1 (1642 – 1648)
• Năm 1640, vua Sác-lơ I triệu tập Quốc hội Anh (Quốc hội gồm phần lớn là quý tộc mới) nhằm đặt ra thuế mới, thực hiện chính sách cai trị độc đoán của mình. Quốc hội được sự ủng hộ của nhân dân đã phản đối kịch liệt và Sác-lơ I liền chuẩn bị lực lượng chống lại Quốc hội.
• Năm 1642, nội chiến bùng nổ, bước đầu thắng lợi nghiêng về phía nhà vua. Nhưng từ khi Ô-li-vơ Crôm-oen lên làm chỉ huy quân đội Quốc hội, xây dựng đội quân có kỉ luật đã liên tiếp đánh bại quân đội của nhà vua. Sác-lơ I bị bắt.
+ Giai đoạn 2 (1649 – 1688) 
• Ngày 30 – 1 – 1649, trước áp lực của quần chúng nhân dân, vua Sác-lơ I đã bị xử tử. Nước Anh chuyển sang nền cộng hoà và cách mạng đạt tới đỉnh cao. Tuy nhiên, chỉ có giai cấp tư sản và quý tộc mới được hưởng quyền lợi. Vì vậy, nhân dân tiếp tục đấu tranh.
• Để đối phó với cuộc đấu tranh của nhân dân, quý tộc mới và tư sản lại thoả hiệp với phong kiến, đưa Vin-hem Ô-ran-giơ (Quốc trưởng Hà Lan và là con rể của vua Giêm II) lên ngôi, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. 
Cách mạng tư sản Anh kết thúc.

c) Ý nghĩa lịch sử :
+ Cuộc cách mạng tư sản Anh do quý tộc mới liên minh với giai cấp tư sản lãnh đạo, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ đã giành được thắng lợi, đưa nước Anh phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
+ Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng không triệt để vì vẫn còn ngôi vua. 
+ Cách mạng chỉ đáp ứng được quyền lợi cho giai cấp tư sản và quý tộc mới, còn nhân dân không được hưởng gì.