Bài 33: Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX. - Lịch sử lớp 10

Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 33: Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX.

1. Cuộc đấu tranh thống nhất Đức

- Con đường "từ trên xuống" trong quá trình thống nhất nước Đức : được thực hiện bằng con đường chiến tranh vương triều, thông qua vai trò của quý tộc quân phiệt Phổ - đại diện là Bi-xmác.
- Ý nghĩa lịch sử của quá trình thống nhất "từ trên xuống"  : đường lối phản cách mạng của Bi-xmác đã đưa nước Đức đi đến chủ nghĩa quân phiệt xâm lược và là trung tâm gây chiến ở châu Âu, gây tai họa cho nhân dân Đức và nhân dân thế giới ở chiến tranh thế giới thứ hai.
+ Giữa thế kỉ XIX, Đức từ một nước nông nghiệp đã trở thành nước công nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bị kìm hãm bởi tình trạng chia cắt thành nhiều vương quốc. Vấn đề thống nhất đất nước đặt ra vô cùng cấp thiết.
+ Bộ phận quý tộc quân phiệt Phổ, đặc biệt là Bi-xmác, được sự ủng hộ của giai cấp tư sản đã thông qua chiến tranh để thống nhất đất nước :
- Chiến tranh với Đan Mạch năm 1864.
- Chiến tranh với Áo năm 1866.
- Chiến tranh với Pháp năm 1871.
+ Đầu năm 1871, Đức hoàn thành việc thống nhất đất nước, thành lập Đế chế Đức.
+ Tháng 4 - 1871, Hiến pháp mới được ban hành, nước Đức là một liên bang gồm 22 bang và 3 thành phố tự do. Vai trò của quý tộc quân phiệt Phổ được củng cố.
- Việc thống nhất nước Đức mang tính chất là một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.

2. Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a

- Giữa thế kỉ XIX, I-ta-li-a vẫn bị chia cắt thành nhiều vương quốc nhỏ. Ngoài vương quốc Pi-ê-môn-tê là giữ được độc lập với chế độ chính trị, kinh tế tiến bộ, các vương quốc khác đều chịu sự khống chế của đế quốc Áo (sử dụng lược đồ). 
- Tại I-ta-li-a, từ năm 1859 đến năm 1870, dưới sự lãnh đạo của quý tộc tư sản hoá, đại diện là Ca-vua, sau đó là người anh hùng dân tộc Ga-ri-ban-đi, các vương quốc I-ta-li-a đã thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Áo và thống nhất quốc gia, mở đường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được phát triển.
- Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, lật đổ sự thống trị của đế quốc Áo và các thế lực phong kiến bảo thủ, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển. 

3. Nội chiến ở Mĩ

a) Tình hình Mỹ trước nội chiến :
+ Đến giữa thế kỉ XIX, lãnh thổ Mĩ đã mở rộng đến bờ biển Thái Bình Dương, bao gồm 30 bang.
+ Miền Bắc có nền kinh tế công nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển. 
+ Miền Nam phát triển kinh tế đồn điền, dựa trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ. 
+ Sự tồn tại của chế độ nô lệ đã cản trở nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở Mĩ. 
+ Mâu thuẫn giữa tư sản và trại chủ ở miền Bắc với chủ nô ở miền Nam ngày càng gay gắt.
b) Diễn biến :
+ Ngày 12 - 4 - 1861, nội chiến bùng nổ.
+ Ngày 1 - 1 - 1863, sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ được ban hành.
+ Ngày 9 - 4 - 1865, nội chiến kết thúc. 
+ Thắng lợi thuộc về quân đội của Liên bang do Tổng thống Lin-côn đứng đầu.
c) Ý nghĩa :
- Cuộc Nội chiến 1861 - 1865 có ý nghĩa như một cuộc cách mạng tư sản. 
- Dựa vào lực lượng cách mạng của quần chúng, giai cấp tư sản miền Bắc đã xoá bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở khu vực này. 
- Nhờ đó, kinh tế Mĩ vươn lên mạnh mẽ vào cuối thế kỉ XIX.