Bài 36: Sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân. - Lịch sử lớp 10

Sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 36: Sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân.

1. Sự ra đời và tình cảnh của giai cấp vô sản công nghiệp. Những cuộc đấu tranh đầu tiên

- Cùng với sự phát triển của công nghiệp, giai cấp công nhân sớm ra đời ngay từ nửa sau thế kỉ XVIII. Ngay từ buổi đầu, họ đã bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề, thường phải làm việc từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày trong điều kiện thiếu an toàn, đồng lương lại rẻ mạt. Cả phụ nữ và trẻ em cũng bị bóc lột. Vì vậy, công nhân đã nổi dậy đấu tranh.
- Hình thức đấu tranh đầu tiên của công nhân là đập phá máy móc và đốt công xưởng. Cuộc đấu tranh nổ ra ở Anh, sau đó là Pháp, Đức, Bỉ,... 
- Đến đầu thế kỉ XIX, công nhân đã chuyển sang đấu tranh bằng bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm, thành lập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi cho mình.

2. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nửa đầu thế kỉ XIX

- Ở Pháp năm 1831, công nhân dệt ở thành phố Li-ông khởi nghĩa đòi tăng lương, giảm giờ làm. Họ nêu cao khẩu hiệu "Sống trong lao động hoặc chết trong chiến đấu !". Cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị giới chủ đàn áp. 
- Ở Anh, từ năm 1836 đến năm 1847 đã diễn ra "Phong trào Hiến chương" đòi tăng lương, giảm giờ làm có quy mô, tổ chức và mang tính chất chính trị rõ rệt.
- Ở Đức năm 1844, công nhân vùng Sơ-lê-din khởi nghĩa, chống lại sự hà khắc của giới chủ.
- Các cuộc đấu tranh của công nhân ở Pháp, Đức, Anh nêu trên tuy cuối cùng đều bị thất bại, nhưng đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, tạo điều kiện cho sự ra đời của lí luận cách mạng sau này.

3. Chủ nghĩa xã hội không tưởng 

- Tình cảnh khổ cực của những người lao động nói chung, giai cấp công nhân nói riêng đã tác động đến ý thức, tư tưởng của một số người tiến bộ trong giai cấp tư sản. Họ nhận thức được những mặt hạn chế của xã hội tư sản, mong muốn xây dựng xã hội mới tốt đẹp, không có áp bức, bất công. Tư tưởng đó là nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Đại biểu xuất sắc là Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen.
- Các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đã phê phán sâu sắc xã hội tư bản, dự đoán xã hội tương lai. Hạn chế của họ không thấy được lực lượng xã hội có khả năng xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân, không đưa ra được phương pháp đấu tranh đúng đắn.
- Trong bối cảnh xã hội bấy giờ, chủ nghĩa xã hội không tưởng là trào lưu tư tưởng tiến bộ, có tác dụng cổ vũ những người lao động và là một trong những tiền đề cho sự ra đời chủ nghĩa xã hội khoa học.